Hoa
Kỳ đã đánh giá rất cao và họ đủ niềm tin về một Việt Nam thực sự nhân
đạo, nội bộ Hoa Kỳ vượt qua ám ảnh của cuộc chiến, vượt qua khác biệt về
chế độ, tiến tới quyết định bình thường hóa - Đó là những chia sẻ của
ông Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ về nguyên Chủ
tịch nước Lê Đức Anh và dấu ấn trong quá trình bình thường hóa quan hệ
ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ.
Theo
ông Phạm Quang Vinh, sau thời kỳ năm 1986, đất nước có những bước đột
phá, đổi mới. Đó cũng là thời điểm mà Đảng ta có chính sách đối ngoại
Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước và các quốc gia trên thế
giới. “Đây là cái phá vây và đây là cái đột phá của ta trong quan hệ với
các nước, đặc biệt trong quan hệ với Hoa Kỳ, Trung Quốc và ASEAN”,
nguyên Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận xét.
Trong
bối cảnh đó, chuyến công du năm 1995 của Chủ tịch nước Lê Đức Anh đến
Hoa Kỳ dự Đại hội đồng Liên hợp quốc nhân kỷ niệm 50 năm thành lập có ý
nghĩa đặc biệt, là lần đầu tiên Chủ tịch nước của Việt Nam đến Hoa Kỳ.
Chuyến công du này để lại những dấu ấn lớn về một nhà lãnh đạo có tầm
nhìn, đặc biệt là tầm nhìn về lợi ích quốc gia, về vị thế của đất nước
và là người rất quyết đoán, đặc biệt kiệm lời nhưng rất dễ gần, giản dị.
Vào
thời điểm này, ông Phạm Quang Vinh đang là Phó Vụ trưởng Vụ các Tổ chức
Quốc tế và Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc Ngô Quang Xuân, cùng tháp
tùng Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Chủ
tịch nước Lê Đức Anh gặp ông Bobby Muller (Chủ tịch Quỹ Cựu binh Mỹ tại
Việt Nam – PV) đi xe lăn trong dịp gặp gỡ bạn bè, trong đó có cả cựu
binh Hoa Kỳ. Chủ tịch nước chia sẻ ý kiến của mình và lãnh đạo Việt Nam
về hàn gắn vết thương chiến tranh và bình thường hóa quan hệ trên cơ sở
nguyên tắc tôn trọng và cùng có lợi. Ngoài gặp gỡ bạn bè và cả những cựu
binh tham gia phản đối chiến tranh, mong muốn lập lại quan hệ với Việt
Nam, Chủ tịch nước Lê Đức Anh còn đi xem người dân lao động ở Hoa Kỳ thế
nào. Đây là sự bất ngờ với lực lượng an ninh và mật vụ của Hoa Kỳ. Họ
lo ngại không đảm bảo được nhưng Chủ tịch nước Lê Đức Anh vẫn quyết đi
và còn đi bộ để tận mắt nhìn thấy khung cảnh đô thị và những khu vực
người lao động điển hình của thành phố New York. Lúc đó, Chủ tịch nước
Lê Đức Anh mặc bộ comple rất giản dị, luôn lắng nghe ý kiến trình bày
của các cán bộ cấp dưới để tổng kết lại - nguyên Đại sứ Phạm Quang Vinh
nhớ lại.
Trong chuyến công du lịch
sử ấy, câu chuyện về xử lý vấn đề nhân đạo liên quan khắc phục hậu quả
chiến tranh đã mở ra không gian bình thường hóa quan hệ hai nước và câu
chuyện Chủ tịch nước Lê Đức Anh gặp gỡ bạn bè và cả cựu binh Hoa Kỳ rất
cảm động. Chủ tịch nước đã nói với John Kerry và John Mccain là sẵn sàng
để Hoa Kỳ thấy sự minh bạch, nhân đạo của Việt Nam trong tìm kiếm binh
lính Hoa Kỳ mất tích. Lúc đó, dư luận còn nhiều đồn đại rằng mình còn
giấu người này, người kia. Quyết sách đương nhiên là của tập thể lãnh
đạo cấp cao Việt Nam nhưng Chủ tịch nước Lê Đức Anh là người trực tiếp
trong những câu chuyện đó.
Nghe và
chứng kiến, qua những dịp phục vụ Chủ tịch nước Lê Đức Anh, thấy tư
tưởng dám vượt qua nỗi đau chiến tranh, giữ được nguyên tắc về vấn đề
nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh của cả hai bên, để từ đó có sự
hiểu biết và đi vào khôi phục quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ, là
bước rất lớn. Thời khắc bác làm lãnh đạo, trong quyết định chung của tập
thể lãnh đạo, bác đều có quyết sách về nhận thức để thúc đẩy quan hệ,
đó là cái rất lớn - nguyên Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận xét.
* Vị Tư lệnh tận tâm, chân thành
Với
ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, những ký
ức, kỷ niệm và ấn tượng về nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh
lại gắn với thời gian Đại tướng là Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại
Campuchia, còn ông là Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng
sản Hồ Chí Minh.
“Thời kỳ đó, Quân
đội của chúng ta sang giúp bạn. Mà nói đến Quân đội là nói đến tuổi trẻ
nên tôi thường xuyên sang đấy thăm, động viên anh em và cũng góp sức để
giải quyết những khó khăn làm sao cho anh em phấn khởi, có tinh thần
vui, thoải mái, lạc quan, yêu đời, mặc dù hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Khi
sang Campuchia, tôi thường gặp Tư lệnh Lê Đức Anh để nghe đánh giá về
thanh niên của chúng ta ở trên đất bạn làm nghĩa vụ quốc tế đã sống,
chiến đấu và hy sinh như thế nào”, ông Vũ Mão nhớ lại.
Thời
gian này còn có nhiều đoàn chuyên gia các ngành, lĩnh vực của Việt Nam
sang giúp nước bạn xây dựng nhân lực, bộ máy; góp sức với bạn trong công
tác xây dựng chính quyền, quản lý nhà nước, cũng như xây dựng các đoàn
thể. Trong đó, Trung ương Đoàn có cử đoàn thanh niên sang giúp bạn xây
dựng Hội Thanh niên cứu nước Campuchia và xây dựng Đoàn Thanh niên
Campuchia.
“Qua những lần tiếp xúc,
ký ức của tôi về vị Tư lệnh Lê Đức Anh là người lãnh đạo rất sâu sắc, cụ
thể, thiết thực. Đồng chí Lê Đức Anh rất bận công việc nên có khi đêm
đến mới dành được thời gian làm việc với chúng tôi. Tác phong của đồng
chí rất mộc mạc, rất giản dị, ăn uống chẳng có gì cả, nhưng làm việc rất
tận tình, sâu sắc. Tôi cảm nhận ở vị Tư lệnh này là người tâm huyết,
tận tâm, chân thành, gần gũi, thân tình với mọi người”, ông Vũ Mão nhận
xét.
Cũng theo lời kể của ông Vũ
Mão, khi Đại tướng Lê Đức Anh được bầu làm Chủ tịch nước, còn ông là Chủ
nhiệm Văn phòng Quốc hội. Thời điểm đó, Văn phòng Chủ tịch nước mới
tách ra, có rất nhiều khó khăn. Sau khi làm việc với Chủ nhiệm Văn phòng
Chủ tịch nước, ông nói với Chủ tịch nước Lê Đức Anh “có việc gì, đồng
chí cứ chỉ đạo”. Chủ tịch nước rất chân thành, tận tình, nói những khó
khăn của Văn phòng Chủ tịch nước và đề nghị giúp anh em “ổn định, làm
việc tốt, phát huy ngay theo chức năng của mình”.
Ông
Vũ Mão cho rằng, đóng góp của Đại tướng Lê Đức Anh trên cương vị Chủ
tịch nước là rất to lớn. Trong ấn tượng của ông, Đại tướng là người thúc
đẩy, đưa ra sáng kiến về việc ra một pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội về danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.
“Trưởng
thành từ một chiến sỹ đi lên, Đại tướng rất thông hiểu, biết rõ sự hy
sinh to lớn của cả dân tộc, đất nước, đặc biệt là các Bà mẹ. Ủy ban
Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh đó theo thẩm quyền và Chủ tịch
nước Lê Đức Anh là người ký ban hành văn bản đó, nhưng ông là người
sáng kiến, góp công, góp sức, đầu tư rất lớn. Những Bà mẹ Việt Nam Anh
hùng được phong tặng đầu tiên, chính ông đã tiếp ngay tại Phủ Chủ tịch,
rất cảm động. Điều đó nói lên tư tưởng uống nước nhớ nguồn trong con
người Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh”, ông Vũ Mão nói./.